QUÊ HƯƠNG
“Quê hương”- hai tiếng đơn giản biết chừng nào! Thế nhưng nó lại lắng đọng trong lòng ta biết bao điều thầm kín; nó biểu hiệu trước mắt ta bao giáng hình sống động thân thương; nó rung vang bên tai ta bao điệu nhạc êm đềm, réo rắt pha trộn lẫn vui buồn; nó khơi dậy trong tâm hồn ta bao ý thơ chan chứa tình đời. Khi đón ánh dương sớm thấy như quanh quất đâu đây bóng tre xanh tha thướt với hàng cau đu đưa và vang rộn tiếng chim làm xao xuyến cả không gian mênh mông bát ngát.
Lúc hoàng hôn buông xuống gợi nhớ tới đàn cò trắng lững lờ bay về tổ, lũ trẻ dắt trâu trở về làng lững thững đi trên cầu, bóng hình in quyện dòng sông trong tiếng chuông giáo đường ngân vang hòa cùng hồi trống thu không thanh bình êm ả khiến cõi long man mác mênh mang.
Nhìn ánh đèn điện lại gợi nhớ ánh trăng. Những đêm hè lộng gió bầu bạn say sưa ngồi ngắm ánh trăng ngà, ngây ngất, thả hồn bay theo tiếng sáo diều du dương vi vút trên cao. Quê hương mang những kỷ niệm của một thời thơ ấu, gắn liền với công lao sinh thành dưỡng dục của mẹ cha; nơi mà từ khi lọt lòng và suốt cả tuổi thơ miệng ta ngậm bầu sữa mẹ, tai ta nghe tiếng mẹ ru với những lời thơ, ca dao ngọt ngào quen thuộc tràn đầy hương vị đồng quê, nơi đặt nền tảng bước đầu khai tâm mở trí cho ta. Những hình giáng, những âm thanh, những kỷ niệm thiêng liêng ấy đã hòa quyện với nhau, ghi khắc trong tâm trí ta một tình cảm, một lẽ sống, một cách nhìn đời. Cho nên đối với ta, trên đời này:
“Không nơi nào đẹp hơn quê hương
Không tiếng nào yêu hơn tiếng mẹ đẻ
Không miếng nào ngon hơn dòng sữa mẹ
Không nhạc nào hay hơn tiếng mẹ ru
Không biển nào sâu hơn tình mẫu tử
Không núi nào cao hơn phẩm gía con người”.
Cảnh vật gợi lên cho mỗi con người những kỷ niệm riêng tư trong thời quá khứ mà mấy ai có thể thờ ơ lạnh lùng lãng quên đi được. Tâm trạng chung lúc này là “Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người”, là ngẩn ngơ nuối tiếc tất cả những gì tươi đẹp của cả quảng đời trong trắng thơ ngây cuốn trôi đi và tan biến theo dĩ vãng.
Vì thế nên ở xa quê ai mà chẳng nhớ chẳng thương. Và khi đã cất bước ra đi, xa tận góc biển chân trời, lòng vẫn mong muốn được trở về thăm lại cảnh cũ người xưa, để nhận biết cái vẫn còn, cái đã mất và cái đang thay đổi. Dù có tha phương cầu thực nơi đất khách quê người, cuối cùng cũng có nguyện vọng “lá rụng về cội” được gửi lại nắm xương của mình trong lòng đất, là nơi mà ta có cả tổ tiên, ông bà, cha mẹ, là nơi cắn rốn chôn rau khi cất tiếng khóc chào đời.
“Quê hương” chỉ có hai tiếng thôi nhưng nó lại là tất cả, bởi vì nó chính là cội nguồn xuất phát của đời ta.
Giuse Maria