Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

NHÓM CÔNG NHÂN NHẬP CƯ VẠN THÀNH





 
 
 

Thứ tư, ngày 08 tháng bảy năm 2009

NHÓM CÔNG NHÂN NHẬP CƯ VẠN THÀNH


NHÓM CÔNG NHÂN NHẬP CƯ VẠN THÀNH – TÂN VIỆT
MỘT HÌNH THỨC SỐNG TIN MỪNG NƠI MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ


Nếu có dịp tham dự thánh lễ II vào chiều Chúa Nhật hằng tuần tại nhà thờ Tân Việt - Sài Gòn, bạn tranh thủ ghé qua dãy nhà giáo lý của giáo xứ, và sẽ thấy những lớp học rất khác. Đây không phải là những lớp giáo lý teo lứa tuổi, nhưng có đủ mọi thành phần và lứa tuổi, lớn nhỏ khác nhau. Đúng vậy, đó là những lớp học giáo lý của các bạn công nhân nhập cư từ giáo xứ Vạn Thành - Hà Tĩnh và một số xứ đạo thuộc Giáo phận Vinh, đang lao động và sinh sống ở Tp. Hồ Chí Minh. Được đến lớp “bổ túc giáo lý” hằng tuần, các bạn đã cố gắng rất nhiều với sự giúp đỡ của nhiều người. Đây là một môi trường lành mạnh giúp các bạn học hỏi giáo lý, Kinh Thánh và chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống đức tin nơi môi trường đô thị.

1. Vạn sự khởi đầu nan
Năm 1998 thầy Thạch Thành, dòng Phanxicô và một nhóm bạn đã nhen nhóm và quy tụ các bạn trẻ ở Hà Tĩnh vào làm ăn sinh sống ở Phường 13, Quận Tân Bình. Với mục tiêu là giúp các bạn trẻ sống đạo lành mạnh nơi môi trường đô thị đầy cạm bẫy và thử thách. Đồng thời cũng giúp các bạn ý thức xây dựng tình đoàn kết và tương trợ nhau trong cuộc sống, trong công ăn việc làm và nhất là những lúc gặp hoạn nạn và rủi ro. Ngo ài ra, họ cũng nhắm tới việc giúp các bạn tiếp cận những giá trị tốt của lối sống mới và xa tránh những tệ nạn xã hội.
Tuy vậy, họ đã gặp nhiều khó khăn trong những ngày đầu quy tụ Nhóm. Trong thời gian đầu này các bạn không mấy “mặn mà” với những buổi gặp gỡ và họp mặt. Một phần vì các bạn rất mặc cảm với những nghề lao động tay chân của mình như làm hồ, thợ may, thợ sơn, giúp việc nhà… Mặt khác nhiều bạn không thu xếp được thời gian, thiếu phương tiện để tham gia nhóm, vì đa số các bạn mới tập làm cư dân “xì phố” nên còn “lạ nước lạ cái”.
Nhưng những ngày tháng đầu khó khăn cũng qua, đến năm 2000 họ quy tụ được một nhóm khoảng 100 bạn trẻ, đi vào sinh hoạt vài tháng một lần. Rồi sau đó, bạn này kéo thêm bạn khác và thế là “dân số” không ngừng tăng lên. Tính đến năm 2008, Nhóm có đến trên 300 thành viên.
Nhóm các bạn công nhân với tên gọi Vạn Thành –Tân Việt này lớn dần lên với sự giúp đỡ của các cha, các tu sĩ đồng hương thuộc các dòng như: Phan Sinh, Đa Minh, Nữ Bác Ái – Vinh và các bạn sinh viên nhiệt thành khác. Trong đó, người yêu thương và cưu mang các bạn nhiều nhất là Lm. Antôn Nguyễn Đình Thục, cha sở Giáo xứ Tân Việt. Ngài đã tạo mọi điều kiện tốt nhất về tinh thần và vật chất, để cho các bạn tổ chức các ngày lễ, các dịp gặp mặt và học giáo lý tại giáo xứ của ngài.


2. Lớn lên trong âm thầm
Như những hạt giống được gieo vãi sẽ lớn lên, đơm bông và kết trái, Nhóm lao động nhập cư Vạn Thành-Tân Việt cũng đã lớn lên một cách độc lập, không lệ thuộc nhiều vào những người đã từng giúp họ. Các bạn trong Nhóm đã điều hành và tổ chức mọi sinh hoạt của Nhóm. Các cha, các tu sĩ chỉ còn là người hỗ trợ về mặt tinh thần và chuyên môn mà thôi.
Năm nay các bạn mừng sinh nhật lần thứ 8 với nhiều mừng vui. Mừng vì có rất đông các bạn xuất thân từ Nhóm đã trưởng thành, lập gia đình, trong số đó có một số bạn đã lập nghiệp ở thành phố. Đến lượt, các bạn này trở thành hậu phương cho các thế hệ sau mình về vật chất và tinh thần. Anh Thỏa, hiện là thành viên ban đại diện của Nhóm, có lần tâm sự với tôi: “Em tuy phải gánh vác chuyện gia đình vợ con, nhưng không thể bỏ rơi các bạn trẻ được. Mình giúp được gì thì giúp, có Chúa biết là đủ rồi”.
Một vài bạn khác trở thành người hướng dẫn giáo lý cho các bạn mới. Công việc thật khó khăn với các bạn, nhưng vừa học vừa làm rồi cũ ng quen. Đến nay, các bạn đã thay thế được những người đã từng giúp giúp mà nay vì công việc đã đi xa. Sự tồn tại và lớn lên của nhóm công nhân này là nhờ có sự kế tục: lớp lớn trưởng thành ra đời, lớp nhỏ vào thay thế, và cứ thế theo dòng chảy của cuộc sống các bạn lại tìm đến với nhau.
Hiện tại Nhóm đã tổ chức được 3 học lớp giáo lý (Kinh Thánh, Vào Đời và Tiền Hôn Nhân) cho 90 bạn trẻ đang trong độ tuổi học giáo lý và những bạn sắp bước vào đời sống hôn nhân gia đình. Cùng với sự giúp đỡ của một số tu sĩ, các lớp học này được duy trì đều đặn vào tối Chúa Nhật hằng tuần tại giáo xứ Tân Việt.
_Thời gian học trong năm của các lớp giáo lý bắt đầu từ tháng 3 (Sau Tết Nguyên Đán) đến tháng 01 năm sau. Các bạn tham gia lớp giáo lý sẽ được cấp “Giấy chứng nhận” nếu đáp ứng đủ các yêu cầu của lớp học. Cha sở ở các giáo xứ mà các bạn xuất thân sẽ miễn việc học giáo lý bắt buộc cho các bạn khi họ tham gia tích cực vào các lớp học trên và có chứng nhận của Nhóm.
Có thể nói nhờ sự đoàn kết, yêu thương và ý thức được giá trị của sinh hoạt nhóm và các lớp học, các bạn công nhân nhập cư trẻ bạn trẻ Vạn Thành -Tân Việt đã âm thầm lớn lên về mọi chiều kích của cuộc sống và đạt được những mục tiêu cao đẹp của cuộc sống nơi đô thị.


3. Đáp ứng được những mục đích tốt đẹp

Nhờ tham gia vào sinh hoạt nhóm và các lớp giáo lý các bạn trẻ có được định hướng cho đời sống đạo khi phải xa cách sự hướng dẫn và giáo dục của cha mẹ, thầy cô và cha xứ.
Các bạn học được những kiến thức giáo lý căn bản cho đời sống đức tin và luân lý, để có thể vừa lao động kiếm sống vừa duy trì đời sống đạo. Các bài học về nhân bản, về tình bạn giúp các bạn trưởng thành các chiều kích xã hội. Bạn Lan, một học viên lớp giáo lý Kinh Thánh, có lần chia sẽ: “Em cảm thấy khôn hơn nhiều, khi được sinh hoạt và học tập với các bạn, vì trước đây em làm việc nhà, suốt ngày chẳng gặp ai, chẳng nói chuyện với ai cả nên “khờ” người lắm”.
Một điều tốt lành là nhờ tham gia sinh hoạt giáo lý, các bạn có thêm nhiều hiểu biết và tránh xa các tệ nạn xã hội vẫn luôn “bám sát” các bạn ở nơi làm việc hoặc và nơi ở trọ. Đồng thời các bạn cũng nuôi dưỡng được tính trung thực trong khi làm việc. Một bạn trai chia sẻ: “Từ ngày đi học giáo lý, coi như em tránh được “vụ” nhậu nhẹt với bạn bè, rất có lợi cho sức khỏe và khỏi bị “viêm màng túi”, nên lâu lâu có chút ít tiền gởi về cho em đi học”.
Tuy còn gặp nhiều khó khăn và trở ngại trong cuộc sống của một “công nhân nghèo” ở chốn đô thành, nhưng các bạn công nhân Vạn Thành- Tân Việt đã phần nào hoàn thành những mục tiêu cao đẹp mà các bạn tự đặt ra cho mình. Nhờ thế, các bạn đã thực hiện tốt vai trò người Kitô hữu sống tốt đời đẹp đạo, và trở thành “men”, “muối” trong chính môi trường sống của các bạn, nhưng các bạn vẫn canh cánh những thao thức về tương lai của nhóm.


4. Những thao thức hướng tới tương lai
Những cố gắng của các bạn đã làm cho các bậc phụ huynh, nhất cha sở Antôn Trần Đình Văn ở quê hương và những người quan tâm đến các bạn yên tâm hơn. Họ là những người, cách nào đó, bị “buộc” vào tình thế phải chấp nhận sự ra đi của các bạn, vì điều kiện cuộc sống và kế sinh nhai của lớp trẻ. Giờ đây họ có thể nở nụ cười và an tâm hơn về đời sống đạo của con em họ nơi chốn thị thành. Vì thế, chính các công nhân trẻ cũng đã tạo cho các bậc phụ huynh và các chủ chăn nơi các bạn xuất thân nhiều kỳ vọng.
Thực vậy, khi sự cố gắng âm thầm của các bạn đã bắt đầu có những hoa quả đầu tiên, thì cũng là lúc mọi người bắt đầu biết đến các bạn. Năm 2006, Đức Giám Mục giáo phận Vinh Phaolô Cao Đình Thuyên, trong một lần đi công tác, đã ghé thăm lớp học của các bạn. Ngài rất hài lòng với những con chiên nhỏ phải sống xa đàn này, và ngài đã có những lời tuyên dương các bạn nơi những giáo xứ mà ngài có dịp ghé tới. Đây là điều làm cho các bạn vừa mừng vừa lo. Mừng là có nhiều người biết đến mình, lo là sợ không đáp ứng được những kỳ vọng của mọi người.
Bên cạnh đó, các bạn công nhân trẻ cũng thao thức làm sao duy trì và phát triển Nhóm, nhằm giúp nhau sống đạo giữa môi trường đô thị đầy cạm bẫy. Với mục tiêu đó, các bạn vừa có thể lao động kiếm sống bằng những công việc lương thiện, vừa có thể thực thực hành đời sống của một người Kitô hữu ở tại quê hương thứ hai này.
Để khép lại việc chia sẻ dài dòng về một nhóm công nhân nhập cư trẻ, tôi nhớ có người đã ví Giáo Hội Chúa như một công trường rộng lớn, mỗi người có một việc để góp sức mình vào việc hoàn thành ngôi nhà Giáo Hội. Theo cách hiểu này, các bạn công nhân trẻ Vạn Thành – Tân Việt đã và đang dấn thân, vào công việc xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô bằng chính đời sống chứng tá âm thầm của họ, trong chính môi trường sống, học tập và lao động rất khiêm tốn của họ. Mong rằng các bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ của nhiều người để có thể thực hiện được các thao thức của Nhóm.

{Bài viết của Thầy Giu-se Nguyễn Quang Huyền}
Quang Huyền,OFM

1 nhận xét:

  1. cảm ơn những người đã ươm mầm đức tin vào thế hệ trẻ. xin Chúa trả công cho việc làm của họ.

    Trả lờiXóa